Tối đa hóa trí thông minh cho trẻ


Bạn hãy làm theo những bí quyết sau để tối đa hóa tiềm năng của não bé từ 2 đến 5 tuổi.

Khi mới sinh ra, bé đã có hơn 100 tỉ tế bào não. Những tế bào này cần phải liên kết với nhau. Theo thuyết tiến hóa của Darwin, những liên kết được dùng nhiều nhất sẽ phát triển và những liên kết ít sử dụng sẽ bị tiêu diệt. Giai đoạn vàng cho bé để học và hiểu là những năm đầu đời, tạo nền tảng cho cả cuộc sống sau này. 3 năm đầu tiên là giai đoạn quan trọng nhất, bộ não của bé lên 3 hoạt động tích cực gấp 2 lần bộ não của một người trưởng thành. Giai đoạn quan trọng thứ hai là 3 năm tiếp theo. Vì thế, điều quan trọng nhất là khuyến khích bé những hoạt động để giúp não phát triển trong giai đoạn này. 

Nghiên cứu đã phát hiện vai trò của môi trường, cách chăm sóc với sự phát triển của não bộ. Bạn hãy làm theo những “bí quyết” sau để tối đa hóa tiềm năng của não bé từ 2 đến 5 tuổi:

1. Cho phần não xúc cảm và giao tiếp xã hội:

Tạo một môi trường an toàn và đầy tình yêu thương cho con bạn. Vuốt ve là cách cơ bản để bé cảm thấy được an toàn. Khi làn da được đụng chạm, ký hiệu sẽ truyền lên não để hình thành và tạo kết nối. Bé cảm nhận được tình yêu của bạn qua mỗi cử chỉ âu yếm cũng như cách bạn đáp ứng nhu cầu ăn khi đói, vỗ về khi khó chịu của bé.

Bạn có biết thiếu sự quan tâm, chăm sóc sẽ ảnh hưởng xấu lên phát triển não của bé? Khi bé căng thẳng, hoóc môn cortisol sẽ làm giảm những kết nối trong não và làm cho phần điều khiển cảm xúc và kết nối trong não nhỏ hơn bình thường. Vì thế, hãy giúp cho thế giới xung quanh của con an toàn và theo thời khóa biểu cố định (như giờ ăn, giờ ngủ cố định) cho bé.

2. Cho phần não về thính giác và thị giác:

Trẻ nhỏ học bằng cách sử dụng và thực nghiệm 5 giác quan – sờ, nếm, ngửi, nhìn, nói và nghe. Tạo điều kiện cho con tiếp cận những điều mới mẻ giúp bộ não củng cố những kết nối cũ và tạo kết nối mới.

- Quan sát khi con chơi: khi bé bỏ đồ chơi vào miệng, đó cũng là một cách để bé cảm nhận được đồ chơi. Khi đó, bé cảm nhận sự vật qua 5 giác quan của mình. Do đó, những trải nghiệm không chỉ bằng tay giúp phát triển các phần khác nhau trên não. Hãy cho phép bé nghịch ngợm (khi nào bé vẫn được an toàn) để sớ mó, cảm nhận, ngửi, nhìn, và nghe, các chất liệu khác nhau.

- Tạo điều kiện cho bé tự giải quyết những vấn đề đơn giản như với lấy đồ chơi dưới gầm bàn, chọn quần áo cho dịp nào đó, hay lựa món đồ chơi mà bé thích. Bạn chỉ dẫn dắt bé, và hãy đặt câu hỏi, thay vì trả lời thay.

- Khi đọc sách hay chơi đùa, cho phép bé đọc đi đọc lại một cuốn sách, chơi đi chơi lại một món đồ chơi. Đó là khi não tạo lập trải nghiệm và đồng thời sự kết nối.

- Cho bé chơi nhiều loại nhạc cụ, nghe nhiều loại âm nhạc, từ nhiều nền văn hóa khác nhau. Có rất nhiều bằng chứng khoa học cho thấy trải nghiệm âm nhạc từ khi còn nhỏ có thể giúp bé học toán tốt hơn. Bên cạnh đó, âm nhạc cho bé giai điệu, nhịp điệu, các tiết tấu, giúp phát triển kỹ năng về không gian. Khoảng từ 1 tuổi trở lên cho đến 4 tuổi là khi bé phát triển khả năng hiểu logic và khái niệm toán, do đó cho bé học nhạc vào thời gian này là phù hợp.

3.  Cho phần não về kỹ năng ngôn ngữ:

Hãy nói và nói chuyện thật nhiều với con, giúp bé phát triển phần não về kỹ năng ngôn ngữ. Bé cần được nghe bạn nói rất lâu trước khi bé biết nói. Nghiên cứu phát hiện rằng bé được nghe mẹ nói chuyện từ khi còn rất nhỏ có vốn ngôn ngữ và kỹ năng giao tiếp tốt hơn nhiều so với các bạn khác. Đừng ngại nói đi nói lại một từ cho bé nghe, hát nhiều lần một bài của bé, đọc sách cho bé, gọi tên các hành động. Khi bé lớn lên, hãy cùng bé kể lại một câu chuyện, đặt những câu hỏi mở, đọc sách và viết cùng con.

4. Cho phần não về kỹ năng vận động:

Với trẻ thơ, chơi cũng là một cách học. Thông qua các trò chơi, trẻ biết cách điều khiển cũng như kết hợp phản xạ tay chơi khéo léo hơn. Đặc biệt, thông qua nhảy múa, trẻ sẽ học được nhiều kỹ năng cùng lúc: bé được tạo nền tảng cơ bản với bộ môn múa, các bước nhảy, chuyển động cơ thê. Đồng thời, bé học được sự linh hoạt trong ngẫu hứng âm thanh, âm nhạc với chuyển động của cơ thể, phát triển trí tưởng tượng qua các điệu múa.

Thông qua hội họa, không chỉ rèn giũa kỹ năng về thị giác, bé học vẽ các đường nét khác nhau, di màu và thể hiện được tình cảm tích cực của bé. Bên cạnh đó, phối hợp được cử động bàn tay, ngón tay và phối hợp tay-mắt trong các hoạt động vẽ.

5.  Cho sự phát triển nhận thức của não nói chung:

Trẻ cần sự tình yêu, nuôi dưỡng và giúp đỡ của bạn, người sẽ giúp trẻ tối đa hóa khả năng, trong đó có trí thông minh. Dinh dưỡng tốt vô cùng cần thiết cho trẻ từ khi sinh ra, và đặc biệt trong những năm đầu đời. Khoa học đã chứng minh bé cần một hệ 12 dưỡng chất bao gồm: DHA, AA, Omega 3 & 6, Taurine, Choline, Sắt, Kẽm, Acid Folic, Lutein- giúp tăng cường thị giác và Phospholipid - giúp thúc đẩy phát triển não bộ. Các chất này có trong nhiều nhóm thực phẩm khác nhau như các loại rau lá xanh thẫm, cá hồi (giàu omega 3), các loại hạt, dầu thực vật, các loại thịt, trái cây tươi và sản phẩm từ sữa... Đặc biệt, hệ dưỡng chất này có đầy đủ trong một số sản phẩm sữa công thức hiện nay có trên thị trường.
Trình Vũ (Nguồn: beiqthatgioi.com)

Tư duy logic - Nền tảng của mọi tri thức



“Tại sao tư duy logic tốt mà lại quá ít (hay chưa có) nhà khoa học tầm cỡ thế giới? Tại sao có nhiều người thông minh mà lại quá ít thiên tài? Hay tại sao chỉ số giáo dục được UNDP đánh giá cao mà nền giáo dục lại quá nhiều điều dở?” (PGS. Hồ Sĩ Quý)

Tư duy logic là gì?

Chìa khóa để tối ưu hóa khả năng phát triển cá nhân và khả năng hoạch định tổ chức công việc một cách hiệu quả, đó chính là "Tư duy có logic".

Logic hay luận lý học, từ tiếng Hy Lạp cổ điển logos, nghĩa nguyên thủy là từ ngữ, hoặc điều đã được nói, (nhưng trong nhiều ngôn ngữ châu Âu đã trở thành có ý nghĩa là suy nghĩ hoặc lập luận hay lý trí).

Trong cuộc sống hằng ngày, mọi hoạt động của con người đều thông qua tư duy của họ. Khác với hành động của con vật mang tính bản năng, hành động của con người luôn mang tính tự giác. Con người, trước khi bắt tay vào hoạt động thực tiễn cải tạo thế giới, đều đã có sẵn dự án trong đầu. Sự khác biệt ấy là vì con người có tư duy và biết vận dụng sức mạnh của tư duy vào việc thực hiện các mục đích của mình. Trong quá trình hoạt động đó, con người dần dần phát hiện ra các thao tác của tư duy.

Nói đến tư duy logic thì nhân loại, ở châu Phi hay ở châu Âu, ở châu Á hay ở châu Mỹ, từ Albert Einstein cho đến mỗi người chúng ta, ai ai trong đầu cũng đều có so sánh, phán đoán, suy lý, trên cơ sở các ý niệm, khái niệm về các hiện tượng, sự vật xung quanh. Nghĩa là tự nhiên ban cho con người bộ não hoạt động tư duy với các quy luật logic vốn có, khách quan ở tất cả mọi người và mọi dân tộc.

Cùng với sự phát triển của thực tiễn và của nhận thức, con người càng ngày càng có sự hiểu biết đầy đủ hơn, sâu sắc hơn, chính xác hơn về bản thân tư duy đang nhận thức. Chính quá trình hiểu biết ấy là cơ sở tạo ra sự phát triển của logic học. Các quy luật của tư duy logic là phổ biến cho toàn nhân loại. Dĩ nhiên, sản phẩm tư duy của người này thì khác người kia, về cùng một phán đoán nhưng có người đúng và có người sai, cái đó lại phụ thuộc vào các điều kiện khác.

Sự phát triển của tư duy logic

Theo truyền thống, logic được nghiên cứu như là một nhánh của triết học. Kể từ giữa thế kỉ 19, logic đã thường được nghiên cứu trong toán học và luật.

Ngày nay, dưới tác động của cách mạng khoa học – công nghệ hiện đại, logic học (hình thức) phát triển hết sức mạnh mẽ dẫn đến sự hình thành một loạt các bộ môn logic học hiện đại, như logic học mệnh đề, logic học vị từ, logic học đa trị, logic học tình thái, logic học xác suất, v.v.. Các bộ môn đó cung cấp cho nhân loại những công cụ sắc bén giúp tư duy con người ngày càng đi sâu hơn vào nhận thức các bí mật của thế giới khách quan.

Sự ra đời của logic học hiện đại tạo ra bước ngoặt trong sự phát triển của khoa học và công nghệ. Điều này là hoàn toàn rõ ràng và thể hiện rõ nét nhất trong lĩnh vực công nghệ hiện đại. Logic học hiện đại đã cung cấp cho nhân loại những công cụ để xây dựng các bộ điều khiển, từ đó xây dựng nên các công nghệ tự động hoá. Nó cũng cung cấp các phương tiện logic cho việc chế tạo máy tính điện tử. Gần đây nhất logic được áp dụng vào khoa học máy tính và trí tuệ nhân tạo.

Chính vì vậy, có thể nói rằng, không có logic học hiện đại thì khó có khoa học hiện đại phát triển như ngày nay. Hơn thế nữa, các hệ thống logic phi cổ điển (tình thái, đa trị, xác suất, v.v.) cũng trang bị cho nhân loại những phương tiện logic để nhận thức ngày càng sâu sắc hơn, đầy đủ hơn “cái biện chứng” khách quan bằng các công cụ chính xác. 

Các phương pháp rèn luyện kỹ năng tư duy logic

- Đọc sách: Đọc sách chính là cách để rèn luyện kĩ năng nhận thức và tăng cường vốn từ vựng của bạn. Chọn sách văn học, khoa học hay những quyển sách nâng cao tính chuyên môn nghề nghiệp để đọc, sẽ giúp bộ não của bạn hoạt động tích cực hơn.

- Tham gia một khoá học: Hãy học một điều gì đó mới mẻ, chẳng hạn như đăng kí tham gia lớp nấu ăn, cắm hoa hay hội hoạ, v.v…Bản thân bạn sẽ gặp những thách thức vì phải hấp thụ những khái niệm, những thông tin và ý tưởng mới, và giữ lại những kĩ năng cần thiết suốt quá trình ghi nhớ của bộ não.

- Học ngoại ngữ: Bạn nên biết rằng học ngoại ngữ chính là cách để bộ óc của bạn linh hoạt, suy nghĩ được nhạy bén, giúp rút ngắn tính chậm chạp của quá trình suy nghĩ lão hoá theo tuổi tác. Mặt khác, còn giúp bạn giao tiếp với người nước ngoài dễ dàng hơn.

- Chơi game: Rủ bạn bè tham gia một trò chơi, chẳng hạn như chơi cờ… Bên cạnh đó, các hoạt động xã hội cũng giúp trí óc bạn linh hoạt hơn. Vì khi đó, bạn sẽ phải vận dụng trí nhớ và các kĩ năng tư duy logic của mình.

- Chơi ô chữ: sẽ giúp bạn trau dồi những kinh nghiệm, hiểu biết và củng cố lượng từ vựng của bạn.

- Tranh luận: Một cuộc thảo luận sẽ làm tinh thần bạn thêm hăng hái. Miễn là bạn cố gắng đừng đi lạc đề thành một cuộc cãi vã, bạn sẽ rèn luyện được lối tư duy nhanh, sắc sảo, logic và sáng tạo.

Ở trên đây là một số phương pháp mà Hiếu Học đã tổng hợp để giúp bạn có thể rèn luyện và phát triển khả năng tư duy. Chúc các bạn sẽ làm ra được nhiều "chìa khóa" để tự tin mở mọi cánh cửa thành công trong cuộc sống.

Sưu tầm

Sự kỳ diệu của não bộ con người


Não bộ của con người là một tổ chức phức tạp, tinh vi nhất của hệ thần kinh. Thông qua các giác quan như mắt, tai, da, bộ não tiếp thu các thông tin về thị giác, thính giác, xúc giác... để từ đó nhận thức ra đối tượng, xử lý và giai đáp thông tin qua các hình thức vận động.

Sự phát triển của não

Ngay từ ngày thứ 18 của phôi đã có mầm mống của não, khi phôi được 3 tháng tuổi thì não đã có đủ các thành phần.

Khi mới sinh, não nặng khoảng 300g và khi 1 tuổi khoảng 800g. Não tăng trọng lượng rất nhanh cho tới 2 tuổi, tăng chậm hơn khi 20-25 tuổi và dừng lại khi 65 tuổi, sau đó - cũng như tất cả các cơ quan khác của cơ thể - trọng lượng của não giảm dần do mất nước. Trọng lượng trung bình của não là 1.370g.

Mô tả

Bộ não, còn gọi là não bán cầu nằm trong hộp sọ ở trên lều tiểu não.
Não bán cầu bao gồm vỏ não và các tổ chức dưới vỏ.

a/ Vỏ não được các rãnh não chia thành các thùy gồm: thùy trán, thùy đỉnh, thùy chẩm và thùy thái dương.

Các rãnh nhỏ chia các thùy thành các hồi, thí dụ hồi thứ nhất trán (F1).
Thùy trán chiếm tới 40% khối lượng não

b/ Các tổ chức dưới vỏ - các nhân xám trung ương.

Các chức năng của bộ não

Do đặc điểm cấu tạo của vỏ não (chất xám và chất trắng) nên có những diện chức năng về cảm giác, giác quan và vận động.

Chức năng về giác quan:

Nhìn: Thông qua mắt, các đường dẫn truyền thị giác đưa hình ảnh lên vùng chẩm của não. Từ đó các kích thích thị giác được bộ não phân tích (hình dạng), đánh giá (so sánh) và lưu trữ (ghi nhớ).

Nghe: Thông qua đôi tai, các đường dẫn truyền thính giác đưa âm thanh lên não ở vùng thái dương, từ đó não phân tích (loại âm), đánh giá (so sánh) và lưu trữ (ghi nhớ).

Chức năng nghe là một trong những giác quan được phát triển ngay từ trong bào thai. Trong bụng mẹ, bào thai đã có thể nghe được âm nhạc, vì vậy người ta có phương pháp dạy trẻ bằng cách cho nghe nhạc cổ điển ngay từ khi còn là bào thai.

Tiếp thu các loại cảm giác: Thông qua bộ não, con người có thể tiếp thu các loại cảm giác, đặc biệt là cảm giác nhận biết đồ vật...

Thể hiện các động tác: Chức năng giải đáp là chức năng cơ bản thứ hai của não. Biểu hiện giải đáp là các hình thức vận động. Vận động tự chủ qua đường bó tháp, vận động phối hợp (hệ tiểu não - tiền đình) và vận động tự động (các nhân xám trung ương).

Các nhân xám trung ương có chức năng biểu thị dáng điệu, động tác, vẻ mặt... Tất cả nhằm điều chỉnh trương lực và điều hòa cử động...

Ngoài chức năng cơ bản là tiếp thu và giải đáp, não bộ còn làm phong phú hoạt động con người qua các quá trình tâm lý, tư duy, trí nhớ, lời nói, chữ viết... Đó là chức năng cao cấp của vỏ não. Những chức năng này thực hiện được nhờ sự hoạt động của toàn vỏ não, đặc biệt là ở thùy trán, thùy thái dương, thùy đỉnh, thùy chẩm, khứu não...

Bộ não giữ vai trò quan trọng trong hoạt động toàn diện, đa dạng của con người, giúp con người thích ứng với các hoàn cảnh xã hội. Do đó nhiều chuyên ngành khoa học tự nhiên và xã hội đã xây dựng các chiến lược bảo vệ và phát triển bộ não.

Theo Sức khỏe và Đời sống

9 khả năng phi thường của bộ não con người




 1. Siêu vị giác

Những người có vị giác ở cường độ rất mạnh gọi là siêu vị giác. Việc có thêm các nhú gai hình nấm trên lưỡi (thực chất là những khối u hình nấm được bao phủ bởi các chồi vị giác) được cho là nguyên nhân tại sao những người này lại có cường độ vị giác mạnh như vậy. Trong số năm loại vị giác ngọt, mặn, đắng, chua và đậm đà, một người sở hữu siêu vị giác thông thường sẽ  thấy vị đắng là dễ cảm nhận nhất.
Các nhà khoa học lần đầu tiên ghi nhận  những khả năng nếm khác nhau của con người khi một nhà hóa học tên Arthur Fox yêu cầu mọi người nếm một hợp chất có tên gọi là PTC (Phenylthiocarbamide). Một vài người cảm nhận được vị đắng, một số người thì không-tùy thuộc vào cấu tạo gen di truyền (biến thể của bài kiểm tra này hiện là một trong những bài kiểm tra gen di truyền phổ biến nhất trên con người). Trong khi có khoảng 70% số người có thể nếm được PTC, hai phần ba trong số họ có vị giác trung bình; còn lại một phần ba là siêu vị giác.
Những người siêu vị giác thường không thích một số thức ăn nhất định, đặc biệt là thức ăn có vị đắng như là bắp cải, sup lơ, cà phê và nho. Những người có siêu vị giác thường là phụ nữ, người châu Á và châu Phi.

2. Âm cảm tuyệt đối

Những người âm cảm tuyệt đối có khả năng xác định và tái tạo một âm thanh mà không cần phải có một tham chiếu nào. Đó không đơn giản chỉ là khả năng nghe tốt mà là khả năng phân loại âm thanh và lưu chúng thành danh mục trong vào bộ nhớ. Một số ví dụ về khả năng này là xác định cao độ của tiếng ồn hằng ngày (còi xe, còi tầm, động cơ…); hát một nốt nhạc không cần nghe mẫu, gọi tên âm thanh phát ra của dây đàn… Làm được điều này đòi hỏi một hoạt động nhận thức – yêu cầu một người ghi nhớ tần suất của mỗi âm thanh, đặt tên và biết hết dãy âm thanh đã đặt tên. Có nhiều ý kiến khác nhau về việc liệu âm cảm tuyệt đối là khả năng có được do di truyền hay là do học hỏi mà có.
Ước tính ở châu Âu có khoảng 3% dân số có âm cảm tuyệt đối và khoảng 8% số người hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp, bán chuyên nghiệp có âm cảm tuyệt đối. Tuy nhiên, trong các học viện âm nhạc ở Nhật Bản, khoảng 70% nhạc sĩ có âm cảm tuyệt đối. Một phần lý do cho sự chênh lệch này có lẽ là do âm cảm tuyệt đối phổ biến ở những khu vực có ngữ âm đa dạng, lên bổng xuống trầm (Quảng Đông, Quan Thoại, Việt Nam, Nhật Bản… ) Rất nhiều người mù bẩm sinh, người mắc hội chứng William, người mắc bệnh tự kỷ cũng có khả năng này.

3. Tetrachromacy

Tetrachromacy là khả năng nhìn thấy ánh sáng từ bốn nguồn nhất định. Một ví dụ của trường hợp này trong thế giới loài vật là loài cá ngựa vằn (Danio rerio). Chúng có thể nhìn thấy ánh sáng từ các phân khúc đỏ, xanh lá, xanh dương và cực tím trong phổ ánh sáng. Khả năng này ở người là cực kỳ hiếm. Theo Wikipedia, hiện tại chỉ có hai người được xác nhận là có khả năng này.

Thông thường con ngưởi có ba loại tế bào hình nón cảm thụ một trong ba loại ánh sáng đỏ, xanh, xanh lá trong quang phổ. Mỗi loại tế bào có thể nhận khoảng 100 thang độ màu sắc. Não bộ kết hợp màu sắc và thang độ để con người có thể phân biệt khoảng  một triệu màu sắc trên thế giới. Một người có khả năng tetrachromacy thực sự với thêm một tế bào cảm thụ màu sắc, về mặt lý thuyết có thể phân biệt khoảng một trăm triệu màu sắc.
Tương tự như siêu vị giác, khả năng tetrachromacy phổ biến ở phụ nữ hơn nam giới.

4. Định vị bằng âm thanh

Trong tự nhiên, loài dơi được biết đến như một loài động vật có thính giác phát triển tốt nhất. Dơi hoạt động về đêm, dùng âm thanh và tiếng vọng của âm thanh để định vị. Khả năng này cũng phát triển ở một số người.
Chúng ta từng biết loài dơi thường bay lòng vòng trong các khu rừng tối tăm, chúng phát ra âm thanh và chờ âm thanh vọng về, sử dụng mỗi tai để nghe những âm thanh đó kết hợp với thời gian âm thanh vọng về để xác định vị trí và khoảng cách đến đối tượng hướng tới. Thật đáng ngạc nhiên là khả năng đặc biệt này cũng xuất hiện ở người. Việc phát triển khả năng này có thể là bởi người đó bị mất đi thị giác đã phải trải qua một thời gian đủ dài để làm chủ và có được sự nhạy cảm cao với âm thanh phản xạ.
Để định vị thông qua tiếng vang, người đó sẽ tạo ra âm thanh và xác định những tiếng vang đó từ đâu vọng lại để nhận biết vị trí đối tượng xung quanh họ. Người có khả năng định vị bằng âm thanh sẽ biết được vị trí, kích cỡ và mật độ của đối tượng.
Vì con người không thể tạo hoặc nghe thấy những âm thanh ở tần số cao hơn như loài dơi hay cá heo, nên chỉ có thể nhận biết được những đối tượng có kích thước lớn hơn so với những thứ bé nhỏ mà hai loài động vật trên có thể cảm thấy.

5. Genetic Chimerism – Hội chứng gen lạ

Các nhà sử học người Hy Lạp đã chứng minh rằng "nhân mã" - nhân vật có đầu người, mình ngựa - thật sự đã từng tồn tại.
Sử thi Iliad có mô tả quái vật Chimera với đuôi rắn, mình dê, đầu sư tử; Chimera cũng trở thành tên gọi cho một hiện tượng di truyền học là genetic chimerism hay tetragametism. Hiện tượng này xảy ra ở người hay động vật khi hai trứng được thụ thai hoặc phôi thai kết hợp cùng nhau trong thời kì đầu của thai kì. Mỗi hợp tử mang một bản sao ADN của bố mẹ, vì vậy hợp tử mới có một bộ gen khác biệt. Về cơ bản, đứa trẻ sinh ra là song sinh của chính nó. 

Phác hoạ bộ xương nhân mã trên X-quang.
Chimerism rất hiếm ở người và nhân mã là một trong những trường hợp hiếm hoi được ghi nhận.
Chimerism ở người rất hiếm. Trong các thử nghiệm ADN nhằm xác định con ruột của bố mẹ đã phát hiện trường hợp Chimerism khi đứa trẻ không có liên hệ sinh học với người mẹ - nó mang một ADN khác. Lydia Fairchild là một trường hợp điển hình đã sinh ra một chimera. Người mẹ trẻ ở bang Washington đã phải đấu tranh với tòa án để giữ đứa bé mà cô mang nặng đẻ đau vì theo xét nghiệm nó không phải là con ruột cô.

6. Chứng loạn cảm giác (Synesthesia)

Hình dung không ngừng về sự liên kết giữa những con số và chữ cái với màu sắc nhất định hoặc nghe một từ nào đây lại gây ra vị giác ở lưỡi. Đây là 2 dạng của một bệnh thần kinh gọi là loạn cảm giác. Loạn cảm giác là khi kích thích lên một giác quan lại dẫn đến phản ứng vô thức của một giác quan khác. 
Chứng bệnh này chủ yếu do di truyền và dạng loạn các kí tự với màu sắc là phổ biển nhất. Các trường hợp loạn cảm giác khác có thể gây ra những sự phối hợp đặc biệt như ngày tháng có một vị trí chính xác về không gian, những con số có tính cách, âm thanh được nhận thức cùng với màu sắc… 
Mặc dù loạn cảm giác là một chứng bệnh thần kinh nhưng đáng lý không nên xem như rối loạn vì nhìn chung nó không ảnh hưởng đến khả năng của con người. Phần lớn những người loạn cảm giác thậm chí không nhận ra rằng những gì họ cảm nhận về cuộc sống phong phú hơn những người bình thường. Hiếm có ai xem loạn cảm giác có ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của họ. 
Ước đoán về tỉ lệ người bị loạn cảm giác rất khác nhau, từ 1 trong 20 người đến 1 trong 20.000 người. Những nghiên cứu từ năm 2005 – 2006 với mẫu ngẫu nhiên cho thấy cứ 23 người thì có một người bị loạn cảm giác. Những ví dụ về người loạn cảm giác có tác giả Vladimir Nabokov, nhà soạn nhạc Olivier Messiaen và nhà khoa học Richard Feynman. Daniel Tammet (được đề cập trong phần tiếp theo) cũng là một người loạn cảm giác, ông thấy những con số với hình dạng và kết cấu. 

7. Bộ óc máy tính

Nhóm người kì lạ nhất thông thạo những tính toán phức tạp trong đầu là những nhà bác học mắc chứng tự kỉ. 
Có nhiều người được rèn luyện có thể thực hiện những tính toán phức tạp cực nhanh trong đầu họ như các nhà toán học, nhà văn, họa sĩ… nhưng khả năng bẩm sinh của những bác học tự kỉ là đáng quan tâm nhất. Phần lớn họ sinh ra mắc chứng tự kỉ, chậm hiểu, chậm phát triển, thường do chấn thương đầu. 
Nghiên cứu gần đây cho thấy ở những người có khả năng tính toán siêu phàm thì lượng máu chảy lên phần não về tính toán nhiều gấp 6 – 7 lần so với người bình thường. Ví dụ về những người có khả năng này là Daniel McCartney, Solo Finkelstein, Alexander Aitken và Daniel Tammet. 

8. Nhớ chính xác những hình ảnh thị giác (Eidetic Memory)

Khi một người có vùng lưu giữ hình ảnh hay nhớ từng chi tiết chính xác, họ có khả năng nhớ chính xác các hình ảnh thị giác. Những ví dụ về khả năng này là Akira Haraguchi, người đã kể lại từ trí nhớ mình 100.000 chữ số thập phân của số pi hay Stephen Wiltshire, người đã vẽ lại toàn bộ thành Rome sau một chuyến bay quan sát. Kim Peek cũng trở thành hình mẫu cho nhân vật Raymon Babbit trong phim Rainman khi có khả năng nhớ 12.000 cuốn sách.

9.    Các tế bào bất tử 

Tế bào bất tử nghĩa là những tế bào có thể phân chia độc lập bên ngoài cơ thể người; chỉ có duy nhất trường hợp người có tế bào bất tử được biết đến, đó là một phụ nữ tên Henrietta Lacks. Năm 1951, lúc đó Henrietta Lacks 31 tuổi, bà bị ung thư cổ và sẽ chết trong vài năm. Không được sự cho phép của bà và gia đình nhưng một bác sĩ phẫu thuật đã lấy mẫu mô từ khối u và chuyển qua cho TS George Gey. Nhà khoa học từ phòng thí nghiệm cấy mô của ĐH John Hopkins đã nhân bản mẫu mô của Lack thành dòng tế bào bất tử gọi là dòng tế bào HeLa. 
Những tế bào từ khối u của Lack có một kiểu enzyme telomerase tích cực. Đây là enzyme có cơ chế làm cho tế bào già đi. Những tế bào này nảy nở nhanh bất thường. Ngày Henriette Lack qua đời cũng là ngày mà TS Gey tuyên bố với thế giới rằng một kỷ nguyên mới của y học đã bắt đầu – về một thứ có thể điều trị ung thư.
Tế bào HeLa được Jonas Salk sử dụng vào năm 1954 để phát triển phương pháp điều trị bệnh bại liệt ở trẻ em. Từ sau đó, tế bào HeLa được dùng trong nghiên cứu ung thư, AIDS, ảnh hưởng của phóng xạ và chất độc, bản đồ gen… 
Ngày nay, tế bào HeLa quá phổ biến trong phòng thí nghiệm đến mức chúng nhiễm sáng các mẻ cấy tế bào khác và khiến một số nghiên cứu sinh học bị vô hiệu vì hiện diện của tế bào này. Ngày nay tế bào HeLa sống còn nhiều hơn cả thời Henrietta Lacks còn sống – tổng khối lượng của chúng lớn hơn nhiều lần so với trọng lượng cơ thể Henrietta Lacks. Đáng tiếc, phải rất nhiều năm sau khi Lacks qua đời, sự đóng góp lớn lao của bà cho khoa học mới được công nhận chính thức.
Theo Listverse


Thực hư về "ngày tận thế" !


Cái gọi là “ngày tận thế” 21/12/2012 được những người theo phong trào Kỷ nguyên mới lan truyền. Họ cho rằng, vào ngày này, nền văn minh trên Trái đất sẽ bị hủy diệt. Căn cứ trên dựa vào bộ lịch đá của người Maya, một dân tộc có trình độ khoa học khá cao từ thời cổ đại ở Trung Mỹ, bắt đầu từ năm 3114 trước Công nguyên và kết thúc vào ngày 21/12/2012.

Mặc dù, rất nhiều nhà khoa học nổi tiếng trên thế giới và thậm chí là cả Giáo hoàng cũng đã lên tiếng bác bỏ những tin đồn thất thiệt này, nhưng vẫn nhiều người tin rằng, thảm họa sẽ xảy ra và hậu quả nó gây ra không hề nhỏ.

Lịch của người Maya về ngày tận thế

Hoảng loạn 
Tờ New York Times của Mỹ mới đây đã cho biết, phạm nhân nữ trong một trại tù của Nga nằm sát biên giới với Trung Quốc đã rơi vào trạng thái hoảng loạn tập thể, do bị bủa vây bởi những tin đồn về ngày tận thế. Tình hình nghiêm trọng tới mức, các nhà quản giáo tại đây đã phải mời linh mục tới nhà tù giúp các tù nhân ổn định lại tinh thần.

Linh mục Tikhon Irshenko, người được mời tới nhà tù trên, đã kể rằng, nhiều nữ phạm nhân ốm hoặc phát cuồng trong xà lim vì tình trạng sợ hãi quá mức. “Một lần, khi các phạm nhân đang xếp hàng, một người trong số họ tưởng tượng Trái đất nổ tung và hét lên. Ngay lập tức mọi người chạy tán loạn”- linh mục Irshenko cho biết.

Trong khi đó, tại một thị trấn nhỏ nằm ở phía đông thủ đô Matxcơva, người dân đã đổ xô vào các khu chợ và siêu thị, vét sạch những đồ dùng cần thiết như diêm, dầu lửa, đường và nến, để tích trữ phòng khi thảm họa diệt vong xảy đến. Tương tự, người dân sinh sống ở Ulan Ude, thủ phủ của vùng Buryatiya, cũng đang tích trữ lương thực và nến.

Trong một động thái đầy bất ngờ, Bộ Tình huống khẩn cấp của Nga đã ra một thông báo cho biết, họ có “những biện pháp để giám sát những hoạt động đang diễn ra đối với Trái đất” và khẳng định ngày tận thế 21/12 sẽ không xảy ra. Thay vào đó, Bộ này cảnh báo người dân nên cẩn thận với những mối đe dọa khác như bão tuyết, sự cố điện, nước.

Đây là lần đầu tiên Chính phủ Nga phải can thiệp vào những tin đồn thất thiệt về ngày tận thế do lo ngại người dân hoang mang. Mới đây, các nghị sĩ nước này cũng đã gửi thư cho ba đài truyền hình lớn nhất, yêu cầu các đài này ngừng phát sóng những nội dung liên quan tới ngày tận thế, nhằm tránh để người dân thêm hoang mang, lo sợ.
Thậm chí Leonid Ogul, thành viên thuộc Ủy ban môi trường của Hạ viện Nga, còn đề nghị cảnh sát buộc tội những người dân gieo rắc tin đồn về tận thế. Theo ông, mỗi người có một hệ thần kinh riêng và những tin đồn kiểu này sẽ gây tác động khác nhau lên tâm trí của mỗi người. “Một số người sẽ cười, trong khi số khác sẽ gục xuống vì đau tim”.
Tình trạng người dân sợ hãi ngày tận thế không chỉ diễn ra ở Nga mà còn tại nhiều nơi khác trên thế giới, như ở Anh, Mỹ, Pháp. Tại Pháp, chính phủ nước này đang lên kế hoạch cấm người dân đến ngọn núi “thiêng” Pic de Bugarach, để ngăn chặn tình trạng hàng ngàn người nghe theo tin đồn sẽ đổ xô đến đây để “tránh” ngày thế giới bị diệt vong.

Phim về ngày tận thế ăn khách

Trục lợi từ tin đồn
Tuy nhiên, những tin đồn ngày tận thế không hẳn chỉ mang lại toàn điều bất lợi. Nhiều doanh nghiệp, cá nhân đang kiếm tiền tốt nhân cơ hội này. Theo RT, một công ty ở thành phố Tomsk thuộc Siberia (Nga) đã ăn nên làm ra khi tung ra thị trường vài nghìn bộ đồ dùng khẩn cấp có giá 29 USD gồm thuốc trợ tim, xà bông, nến, diêm, thức ăn, rượu.

Việc người dân đổ xô mua đồ tích trữ cũng là cơ hội để các hãng bán lẻ kiếm lời lớn. Trên tờ Izvestiya, nghị sĩ Mikhail Degtyaryov nói, “Tôi cảm giác ngày tận thế là cơ hội kiếm tiền béo bở. Các bạn hãy nhìn số tiền mà những kẻ lừa đảo kiếm nhờ tin đồn, từ những kẻ xưng là phù thủy tới những người bán hàng tạp hóa và các nhu yếu phẩm khác”.

Với điện ảnh thì khỏi phải nói. Đây là cơ hội hàng đầu để kéo khán giả tới rạp. Hàng loạt tác phẩm điện ảnh về ngày tận thế đã đua nhau xuất hiện. Truyền thông cũng không ngừng nói, viết về chúng. Ở Mỹ, kênh National Geographic liên tục phát sóng chương trình “Doomsday Peppers”, nói về sự chuẩn bị cho ngày tận thế của những gia đình ở Mỹ.

Trong khi đó, tại Trung Mỹ, nhiều quốc gia đang tất bật với các hoạt động du lịch ngày tận thế, đặc biệt là ở những nước từng thuộc đế chế của người Maya, trải dài từ Mexico đến Honduras, qua Guatemala đến El Salvador. Theo giới kinh doanh du lịch quốc tế, các nước thuộc khu vực Trung Mỹ sẽ là điểm hẹn cho mùa du lịch cuối năm 2012.

Lo ngại Trái đất nổ tung ngày tận thế

Chẳng hạn, ở Guatemala, chính quyền tổ chức một hội nghị mang tên “Bình minh mới cho nhân loại” ở Tikal, một trong những nơi có nhiều di chỉ khảo cổ của người Maya. Tại Mexico, các nghi lễ ngày tận thế được tổ chức tại khu vực khảo cổ El Tortuguero thuộc bang Tabasco. Còn ở Honduras, một buổi lễ với quy mô hoành tráng sẽ diễn ra ở Copan.

Pedro Duchez, Giám đốc Viện Du lịch Guatemala, nhận định, sự kiện ngày tận thế theo lịch của người Maya sẽ là cơ hội giúp ngành du lịch nước này đón thêm 8% lượt du khách, tương đương hơn hai triệu lượt du khách quốc tế trong năm 2012. Hiện tại 13 điểm khảo cổ hay khu du lịch đã được chọn để chuẩn bị cho các hoạt động từ ngày 20/12.

Mới đây, những người tộc Maya ở Guatemala đã lên tiếng cáo buộc chính quyền và các hãng du lịch lợi dụng tin đồn ngày tận thế trong lịch của người Maya để kiếm tiền. “Chúng tôi kịch liệt phản đối những lời nói dối, tin đồn về người Maya để trục lợi, kiếm tiền”- Felipe Gomez, lãnh đạo Liên đoàn Oxlaljuj Ajpop của người Maya, nói.
(Tổng hợp) Phương - Hưng

Rèn luyện trí nhớ bằng các thói quen


Có một trí nhớ tốt giúp bạn có một cuộc sống khoa học cho sức khỏe, công việc và các hoạt động khác. Một phần rất quan trọng của trí nhớ nữa là, giúp bạn vẫn nhận thức rõ nét khi về già. Bạn có thể luyện tập trí nhớ của mình với các thói quen đơn giản sau.

1. Đọc thường xuyên

Việc đọc mỗi ngày rất tốt cho sự tưởng tượng của trí não. Hãy giảm bớt thời gian xem tivi xuống và tăng thời gian đọc lên bạn sẽ thấy khả năng nhớ, suy nghĩ logic được phát triển, tăng lên đáng kể. Hãy kiểm tra nó bằng cách đưa ra một chủ đề để suy nghĩ và bàn luận với một người bạn.
Tuy nhiên điều bạn cần chú ý là: không đọc một loại sách báo / tạp chí. Hãy đọc nhiều thể loại xen kẻ nhau. Ví dụ bạn là người yêu thích thể loại truyện khám phá, bí ẩn. Hãy đọc cùng với một số sách như lịch sử, khoa học viễn tưởng. Việc đọc xen kẽ này giúp cho sự liên tưởng của bạn cũng được rèn luyện và phong phú hơn.

2. Phát triển sự tưởng tượng của các giác quan

Hãy nhắm mắt vào, tập trung hình dung ra các cảnh, bức tranh mà bạn đang nghĩ đến. 

Ví dụ:
Sóng biển đang vỗ, 
Cảnh mặt trời mọc sau một đêm mưa lớn, 
Con sư tử đuổi bắt một con sơn dương,
Im lặng trong bóng tối,
Tiếng kêu hoảng hốt trong đêm,
Mưa trong rừng vắng.

Sau đó bạn ngồi viết ra tên từng bức tranh một với những gì bạn đã hình dung. Nếu bạn làm được nhiều hơn 6 bức tranh mỗi ngày thì bạn đã luyện tập thành công.

3. Rèn luyện kỹ năng viết

Viết rất tốt cho việc rèn luyện trí nhớ của bạn. Bởi trong quá trình viết bạn phải nhớ lại, hình dung và chuyển thành ngôn ngữ. Nếu bạn có sở thích khác như vẽ thì bạn có thể thay việc viết bằng việc vẽ. Tất cả những thói quen này không chỉ tốt cho trí nhớ mà còn rất tốt cho sự sáng tạo.

4. Chơi game

Hãy chọn cho mình một số game trí tuệ để chơi. Ví dụ cờ vua, cờ tướng, trò chơi trí nhớ, câu đố logic, trò chơi ô chữ. Tất cả các trò chơi này đều cải thiện trí nhớ của bạn, phát triển logic, tăng tốc độ và tăng cường tinh thần sáng tạo.

5. Luyện tập tay không thuận

Nếu thuận tay phải, bạn hãy cố gắng thực hiện các công việc hàng ngày bằng tay trái (hoặc ngược lại). Bằng cách này, bạn sẽ luyện tập cho bán cầu não còn lại của mình được hoạt động nhiều hơn. Một số công việc sẽ vô cùng khó khăn vào lúc đầu, nhưng qua thời gian bạn có thể rèn luyện mình để được thuận cả hai tay trong nhiều trường hợp.

6. Luyện tập kỹ năng giao tiếp, thuyết trình

Thuyết trình cũng giúp bạn nhớ rất lâu. Ảnh: internet
Việc bạn tiếp nhận và lưu trữ thông tin mà không thể đưa nó ra bên ngoài bằng cách nào đó cũng sẽ làm mài mòn não và trí nhớ của bạn. Hãy chia sẻ và luyện tập các kỹ năng về giao tiếp, thuyết trình. Khi bạn thực hiện được điều này thì bạn sẽ khắc sâu thông tin vào não mình hơn một mức nữa.

7. Học một ngoại ngữ mới

Một trong những cách mạnh mẽ nhất để tập thể dục cho não bộ của bạn là học một ngôn ngữ mới. Bạn có thể đăng kí một khóa học tại các trung tâm ngôn ngữ. Nếu không thuận tiện, bạn có thể học một ngoại ngữ trực tuyến hoặc bằng cách nghe băng.
Còn có nhiều cách khác để tập thể dục não của bạn như ngồi thiền, làm toán, học tập để chơi một loại nhạc cụ và mở rộng vốn từ vựng của bạn. Điều quan trọng là tránh đi vào một thói quen. Bằng cách thay đổi các hoạt động hàng ngày và tham gia vào những thách thức mới, bạn có thể nâng cao năng lực tinh thần và kích thích bộ não của bạn.

Theo: Lê Hòa

12 đặc điểm của sức mạnh tư duy


       Trong quá khứ, chúng ta có thể sáng chế ra thứ gì đó và vui vẻ với lợi ích của nó đem lại cho tới mãi cuối đời. Thời gian đã thay đổi. Ngày nay chúng ta cần tiếp tục đổi mới và giữ vững sự lãnh đạo – điều đó có nghĩa là chúng ta cần có các kỹ năng tư duy mạnh để có thể tiếp tục sản sinh ra những ý tưởng chiến thắng mới. Nhưng đâu là sự khác biệt giữa các kỹ năng tư duy thông thường và kỹ năng tư duy sức mạnh?

Do bản chất tự nhiên của công việc, tôi có cơ hội duy nhất để gặp rất nhiều người: nhà tư duy bên ngoài, nhà sáng chế và các nhà đổi mới đến từ rất nhiều lĩnh vực khác nhau: công nghệ, kinh doanh, nghệ thuật. Dưới đây tôi sẽ tổng kết ở 12 khía cạnh khác biệt, dựa trên kinh nghiệm rút ra từ rất nhiều năm.

1. Tư duy đa hệ và Tư duy một điểm (tập trung)

Trong hầu hết các trường hợp, khi chúng ta cố gắng giải quyết một vấn đề, chúng ta thường tập trung vào những điểm rất hẹp nơi vấn đề xuất hiện. Kết quả là chúng ta tự giới hạn bản thân chỉ quan tâm tới những thành phần liên quan trực tiếp tới vấn đề. Tuy nhiên nhìn nhận vấn đề từ những góc nhìn liên quan tới phần còn lại của hệ thống nơi vấn đề xuất hiện giúp chúng ta nhận ra phạm vi cơ hội lớn hơn, hiểu biết sâu hơn về nguồn gốc của vấn đề, và nhận ra những chiến lược giải quyết một vấn đề rất khác biệt theo những mức độ khác nhau. Do vậy, chúng ta luôn luôn nên nhìn vấn đề như một thành phần của hệ thống lớn hơn và đồng thời cũng nhận biết giải pháp của chúng ta sẽ gây ra ảnh hưởng như thế nào tới tương lai của hệ thống và môi trường xung quanh. Khi chúng ta muốn cải tiến (một cách sáng tạo) một hệ thống – kỹ thuật, kinh doanh... chúng ta nên nhìn nhận về quá khứ để tìm thấy so với quá khứ, hệ thống đã trải qua những thay đổi nào và đâu là động lực của những sự thay đổi đó.

Nhìn nhận một vấn đề hoặc một hệ thống dưới một góc nhìn khác cũng giúp nhận ra những dạng giải pháp khác nhau và các chiến lược tiến hoá khác nhau. (“Sơ đồ tư duy đa hệ” là một trong những công cụ rất mạnh chủ chốt của TRIZ, còn được biết tới dưới tên gọi “Toán tử hệ thống,” hoặc “Màn hình chín hệ.”)

2. Tư duy trừu tượng với Tư duy cụ thể

Tư duy cụ thể bắt chúng ta phải đứng tại một mức độ chi tiết nằm bên trong phạm vi đã biết của các giải pháp và khái niệm và cố gắng thích nghi chúng với vấn đề của chúng ta. Kết quả là, chúng ta hoặc bị bế tắc hoặc sẽ đi tới những cải tiến nhỏ (dần dần). Tư duy trừu tượng (khái niệm hoá) đưa quá trình giải quyết vấn đề lên một tầm cao mới và phá vỡ tính ỳ tâm lý do những hình ảnh hoặc thông tin cụ thể, chi tiết tạo ra. Nó cũng giúp nhận ra sự tương tự (về giải pháp cho vấn đề) nằm ở những lĩnh vực rất khác biệt nhau.

Nếu nói từ “bức tường” và bạn sẽ hình dung ngay ra một ngôi nhà làm bằng đá hoặc gạch. Tuy nhiên, nếu bạn thay thế từ “bức tường” với từ “hàng rào” chúng ta sẽ mở rộng không gian ngữ nghĩa về những điều có thể. Nhưng từ “bức tường” có thể là một thác nước, một dòng khí, hoặc một khoá ánh sáng... Nếu bạn nói từ “công ty” chúng ta ngay lập tức liên tưởng tới một văn phòng với nhân viên và bàn ghế trong khi một công ty có thể là ảo, với những nhân viên làm việc tại nhà... Khái niệm “tổ chức” sẽ làm cho chúng ta trở nên trừu tượng hóa hơn.

Những khái niệm cụ thể luôn tạo ra ràng buộc cho cách tư duy sáng tạo bởi vì chúng gắn liền với những hình ảnh cụ thể và làm gia tăng tính ỳ tâm lý của chúng ta. Tư duy trừu tượng trái lại giúp nhận ra sự liên kết giữa những sự vật không liên quan và các sự kiện và đi đến những ý tưởng và khái niệm rất khác biệt. Sự phát triển của tư duy trừu tượng sẽ làm gia tăng khả năng sáng tạo của chúng ta.

3. Tư duy đột phá với Tư duy thoả hiệp

TRIZ phát biểu sự xuất hiện của các mâu thuẫn là một động lực của sự phát triển của các hệ thống kỹ thuật, và cách giải quyết mâu thuẫn thông qua loại bỏ thoả hiệp giúp đạt tới những bước phát triển nhảy vọt của hệ thống. Ý tưởng giải quyết các mâu thuẫn để đạt tới giải pháp đột phá không phải do TRIZ đưa ra: điều này đã được các nhà tư tưởng vĩ đại  Immanuel Kant và Georg Hegel giới thiệu từ thế kỷ 17 và 18. TRIZ cố gắng đưa lý thuyết duy vật biện chứng áp dụng vào ngành khoa học. Ví dụ, tốc độ của xe ngựa sẽ bị giới hạn bởi chính tốc độ của con ngựa kéo, không kể bạn có nỗ lực thiết kế lại chiếc xe ngựa tốt tới đâu, hoặc bạn cho con ngựa ăn tốt thế nào, hoặc bạn sử dụng tới bao nhiêu con ngựa đi chăng nữa.

Để tìm ra một giải pháp đột phá – để đạt tới tốc độ cao hơn chẳng hạn, chúng ta cần thách thức cả những khái niệm hiện có và suy nghĩ về khả năng thay thế con ngựa với điều gì đó có khả năng làm cho chiếc xe đi nhanh hơn, ví dụ như một chiếc động cơ đi-ê-den (diesel) chẳng hạn.

Hiển nhiên đây là một hạn chế của rất nhiều dạng hệ thống do con người tạo ra. Ví dụ, trong quá trình phát triển, các ngành kinh doanh, xã hội và các hệ thống chính trị trải qua rất nhiều mâu thuẫn. Tuy nhiên khi chúng ta đối mặt với mâu thuẫn, bộ não của chúng ta có xu hướng tiếp cận mềm mại hoá các nhu cầu và tìm kiếm giải pháp thoả hiệp thay vì tập trung vào việc tìm kiếm các giải pháp đột phá cho phép loại bỏ hoàn toàn các mâu thuẫn và giúp chúng ta đi tới những sáng tạo huỷ diệt. Do các mâu thuẫn vần tồn tại (chưa được giải quyết) – và chúng trở nên ngày một sâu sắc hơn theo thời gian. Sự nhận biết sớm về các mâu thuẫn và giải quyết chúng là một trong những chức năng quan trọng nhất của “sức mạnh” tư duy.

4. Tư duy đấu tranh/nổi bật với tư duy bảo hộ

Chúng ta thường sợ khi phải tư duy đi ra bên ngoài những khái niệm hay ý tưởng đã có. Nhưng tất cả những đột phá thường chỉ xảy ra khi bạn vượt qua các rào cản do chính tính ỳ tâm lý tạo nên. Để phá vỡ các rào cản này, cần tới sự quyết liệt ở hành động, điều kiện, hay các yêu cầu. Thông thường chúng ta cần phải quyết liệt tới độ chúng ta thấy tưởng chừng như là không thể.

Ví dụ, chúng ta muốn phát triển một khái niệm mới về điện thoại di động. Vậy chiếc điện thoại di động cần phải nhỏ như thế nào? Chúng ta bắt đầu nghĩ về những kích thước bình thường của một chiếc điện thoại – ví dụ, nó có thể dài 10 cm. Vậy có thể sẽ chỉ là 6 cm? SAI! Tưởng tượng chiếc điện thoại chỉ dài cỡ 1 cm, hoặc tốt hơn là 1mm, hoặc thậm chí đạt tới kích thước của một tế bào sinh học. Điều này rõ ràng tới mức sẽ tạo ra một khái niệm về chiếc điện thoại di động hoàn toàn khác biệt. Hoặc nếu bạn muốn một màn hình điện thoại di động to tới mức choán hết cả tầm mắt của mình. Bạn sẽ tạo ra những khái niệm hoàn toàn mới mẻ về chiếc màn hình: có lẽ, một màn hình máy chiếu, hoặc một màn hình gắn liền với tấm kính chắn... Chủ động đẩy giới hạn ra xa, chúng ta sẽ gia tăng cơ hội khám phá những giải pháp đột phá mới mẻ.

5. Tư duy phi tuyến với tư duy tuyến tính

Có một thực tế là gần như 80-90% dự báo dài hạn của những nhà tương lai học đều sai. Một sai lầm phổ biến là họ thường dự báo dựa trên các xu hướng mà thiếu đi sự quan sát các yếu tố mới hay nhân tố mới có khả năng gây ảnh hưởng hoặc trở nên quan trọng vào ngày mai nhưng lại hoàn toàn ẩn mình hoặc không thể dự báo từ hôm nay. Điều tương tự xảy ra với lĩnh vực giải quyết vấn đề: đứng yên trong vòng một khuôn khổ khái niệm và các mối quan hệ thật khó để nhận ra những mối kết nối phi tuyến. Tư duy phi tuyến cũng giúp gắn kết những sự vật không hề liên quan ngày hôm nay nhưng có thể kết nối với nhau trong tương lai và tạo ra ảnh hưởng lớn tới công nghệ hay xã hội, ví dụ như, sự phát triển của máy vi tính cá nhân chẳng hạn.

Tư duy phi tuyến không phải là dễ dàng, do hiểu những nhân tố dẫn tới sự phát triển phi tuyến của một hệ thống cụ thể, chúng ta cần nhận ra cách thức hệ thống hoạt động, cũng như các hệ trên đang vận hành thông qua cách phân tích những mâu thuẫn của ngày hôm nay sẽ được giải quyết ra sao ở ngày mai.

6. Tư duy đa dạng và tư duy đơn nhất (nhất thể)

Các sáng tạo đổi mới đột phá hầu hết đều dựa trên tri thức đến từ bên ngoài. Do đó chẳng ngạc nhiên khi tôi nhận thấy một điều chung trong những nhà sáng chế và tư duy tôi may mắn được gặp gỡ là họ đều “kẻ sát thủ của tri thức.” Và một điều cũng quan trọng không kém, tất cả những con người này đều không giới hạn bản thân vào một lĩnh vực cụ thể nào: đó là một nguyên tắc, họ xử lý rất nhiều thông tin đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau. Một thư viện của Voltaire sống vào thế kỷ 18 có tới 6.814 cuốn sách, và hơn 2000 cuốn có dấu vết ghi chép của nhà khoa học. Thư viện của Thomas Edison có tới hơn 10.000 cuốn sách. Một người bạn của tôi, người có sáng chế đột phá trong ngành hoá học, cũng có thư viện với hơn 10.000 cuốn sách khoa học và kỹ thuật, và ông ta đã đọc gần hết chúng.

Sự đa dạng giúp bạn nhìn thấy những giải pháp trong các lĩnh vực khác nhau và phát triển những trải nghiệm ít gặp giúp nhận ra các hình mẫu giữa những sự việc tưởng như không có bất cứ mối liên hệ nào.

7. Tư duy cấu trúc (hệ thống) và tư duy ngẫu nhiên

Chúng ta thường suy nghĩ để giải quyết một vấn đề “lớn” theo cách thức sáng tạo chúng ta phải “không cần học hỏi và phi cấu trúc hoá” càng nhiều càng tốt. Đúng, bởi vì điều đó giúp chúng ta chống lại tính ỳ tâm lý. Nhưng như tác giả G. Altshuller, cha đẻ của TRIZ, không học hỏi và phi cấu trúc chỉ làm việc tốt khi chúng ta giải quyết các vấn đề có mức khó thấp đòi hỏi số phép thử không nhiều để tìm ra giải pháp. Một lúc nào đó trong đời, bạn sẽ may mắn.

Nhưng khi chúng ta liên tục gặp vấn đề với độ phức tạp cao, chúng ta cần cấu trúc lại quy trình giải quyết vấn đề. Chúng ta phải có một lộ trình để định hướng từ vấn đề tới giải pháp, tái sử dụng những trải nghiệm quá khứ, và các mẫu cho phép tạo ra giải pháp mạnh mẽ.

Các quy trình có giết chế tính sáng tạo hay không? Không một chút nào cả. Người Rome cổ xưa coi công việc tính toán là một nghệ thuật và dựa trên các nguyên tắc sáng tạo. Ngày nay các phép tính này đã hoàn toàn được tự động hóa và không còn ai phải làm việc này nữa. Đưa các quy trình có cấu trúc chặt chẽ vào hỗ trợ giải quyết vấn đề không có nghĩa là giết chết sáng tạo thông qua việc hành chính hoá: sức tưởng tượng sáng tạo vẫn còn nguyên ý nghĩa to lớn để tìm ra một giải pháp cuối cùng. Nhưng chúng ta có thể đi xa hơn trong việc tiết kiệm thời gian và nỗ lực thông qua quy trình có cấu trúc và do vậy tránh được những lỗi lầm đắt giá. Điều quan trọng nhất là một quy trình có mạnh mẽ có cấu trúc và định nghĩa rõ ràng.

8. Tư duy lý tưởng với Tư duy tiêu thụ (hưởng thụ)

Ngay từ nhỏ chúng ta đã học nếu muốn thứ gì, chúng ta cần phải trả giá bằng thứ gì đó. Nếu bạn muốn có một chiếc xe, bạn cần phải bỏ tiền ra để mua nó. Nếu bạn muốn khởi sự doanh nghiệp, bạn cần phải đầu tư, tìm người hợp tác, mua một công nghệ mới, thiết bị văn phòng,... Nếu bạn muốn xây một ngôi nhà, chúng ta cần gạch, kính, gỗ... Tuy nhiên, “cái giá phải trả” hoàn toàn khác nhau cho cùng một kết quả, và đó là điều mà chúng ta không được học rõ ràng.

Một lần, tôi phải giúp khách hàng có vấn đề với chiếc robot không được điều chỉnh phù hợp với công việc, và kết quả là họ mất hoàn toàn một sản phẩm. Khách hàng liên hệ với nhà sản xuất robot người đề xuất một phiên bản nâng cấp robot trong vài tháng thông qua việc thêm một số bộ phận điện tử và cơ khí, nhưng giải pháp như vậy đòi hỏi khách hàng phải mất thêm gần 500 nghìn Euro. Một chút quá đắt, nhưng cũng là một lựa chọn duy nhất. Tuy nhiên, thông qua cách phát biểu khái niệm “Kết quả lý tưởng cuối cùng” chúng tôi có thể giải quyết vấn đề trong vòng một giờ và có thể đưa vào triển khai thực tế trong vòng một ngày: chúng tôi chỉ sử dụng các nguồn lực có sẵn trong quy trình sản xuất. Kết quả: không có sản phẩm nào bị mất mát.

Lý tưởng là một khái niệm rất mạnh bắt buộc chúng ta phải nhận ra những nguồn lực dự trữ để đạt tới mục tiêu đề ra. Một vài năm trước đây, nếu bạn muốn có xuất bản một đoạn băng video trên trang web của công ty, chúng ta sẽ phải trả rất nhiều cho những kênh truyền thông băng thông lớn. Ngày nay chúng ta chỉ cần nạp đoạn video đó lên trên trang YouTube, liên kết (link) với nó, và chẳng phải trả bất cứ xu nào. Những nguồn lực như vậy tồn tại ở khắp mọi nơi – và những người tư duy khôn ngoan sẽ có thể đạt tới kết quả cực kỳ bất ngờ thông qua việc sử dụng đúng nguồn lực vào đúng thời điểm, hoặc thậm chí tạo ra những nguồn lực có giá trị cho người khác sử dụng.

9. Tư duy “Mục tiêu cuối cùng” với Tư duy hời hợt

Các mục tiêu là tất cả. Các mục tiêu quyết định kết quả của chúng ta, thiện chí của chúng ta, và cả chiến lược của chúng ta. Nếu chúng ta thiết lập một mục tiêu sai lầm, chúng ta sẽ phải trả giá; nếu chúng ta thiết lập mục tiêu yếu kém, chúng ta sẽ đạt tới kết quả yếu kém. Tôi còn nhớ vài năm trước tôi đã đọc một bài báo trên tạp chí Times, của một nhà nghiên cứu về chữa trị bệnh ung thư. Kết luận của ông ta là hầu hết các nghiên cứu của Mỹ đều tập trung vào việc làm tiêu từng phần (giảm kích thước) hơn là định hướng làm thế nào để tiêu diệt toàn bộ khối u... Nhưng giảm kích thước khối u không có nghĩa là loại bỏ được nó? Không nhất thiết cứ phải làm như thế mãi. Với TRIZ,  G. Altshuller đưa ra khái niệm về một “Mục tiêu cuối cùng”: hãy thiết lập các mục tiêu có vẻ là không thể với ngày hôm nay: vươn tới các vì sao, hay loại bỏ hoàn toàn nạn đói, và các mục tiêu tương tự như vậy. Có thể, chúng ta sẽ không thể đạt tới mục tiêu viễn tưởng đó trong suốt cuộc đời của mình, nhưng quá trình thực hiện điều đó sẽ chắc chắn là lớn hơn rất nhiều so với mục tiêu nhỏ đặt ra ngay ở bước khởi đầu.

10. Tư duy tiến hoá với tư duy thử-và-sai

Trước TRIZ, hầu hết các sáng tạo đều được tạo ra nhờ phương pháp thử và sai. Tuy nhiên các nghiên cứu của TRIZ đã khám phá ra các luật và xu hướng của các hệ thống nhân tạo, và tri thức về những xu hướng này trở thành cần thiết để chúng ta nhìn thấy tương lai của các hệ thống mà không phải đoán mò. Ví dụ, chúng ta biết về những hệ thống cụ thể ở giai đoạn đầu tiên sẽ có xu hướng gia tăng mức độ linh hoạt thông qua tăng kích thước, phân nhỏ thành nhiều thành phần, và tăng cường mức độ linh hoạt của các mối liên kết giữa các thành phần; nhưng khi hệ thống vượt qua một điểm nhất định của quá trình tiến hoá, một số lượng các thành phần, kích thước, và mức độ linh hoạt của toàn bộ hệ thống sẽ bị suy giảm. Ví dụ, hãy xem xét quá trình phát triển của hệ thống lưu trữ của máy tính: đầu tiên là các thiết bị từ tính nhằm lưu trữ thông tin gồm có những tệp băng từ rất lớn với các thành phần dịch chuyển và chiếm rất nhiều chỗ. Sau đó chúng được thay thế bằng các tệp ghi, ổ cứng, và cả đĩa quang (DVD). Ngày nay, chúng ta thậm chí còn tiến tới loại bỏ cả các ổ cứng: chúng sẽ không còn cần thiết khi chúng ta có thể thay bằng những thiết bị nhỏ, tiết kiệm năng lượng, dung lượng lớn (tương tự như thẻ nhớ USB) mà không có bất cứ thành phần chuyển động cơ nào.

Dưới sự phát triển của cơ khí sẽ giúp làm giảm thời gian một ý tưởng mới ra đời, phát triển và gia nhập thị trường vào đúng thời điểm.

11. Tư duy dài hạn với Tư duy ngắn hạn

Sửa chữa ngay lỗi lầm ngắn hạn hay đầu tư vào tương lai? Tất nhiên, trong một vài trường hợp sửa lỗi ngay là cần thiết và chấp nhận được, nhưng khi chúng ta tư duy chỉ giới hạn vào những sự vụ chúng ta sẽ bị chúng “đè” nghiến. Cho đến một ngày chúng ta sẽ nhận ra những đối phó ngắn hạn sẽ không còn mấy tác dụng nhưng chúng ta cũng không còn đủ thời gian và nguồn lực để tránh thảm hoạ đang tới gần. Do vậy những đối phó ngắn hạn sẽ chỉ có giá trị nếu chúng cân bằng với các mục tiêu đầu tư dài hạn.

12. Tư duy viển vông với Tư duy thực tiễn

Đây chính là điểm vai trò của tưởng tượng sáng tạo trở nên cực kỳ cần thiết. Trong cuốn sách “Tâm lý học sáng tạo” xuất bản vào năm 1896, nhà tâm lý học người Pháp Theodule Ribot đã cho biết chúng ta đạt tới đỉnh cao sáng tạo vào những năm 12 – 14 tuổi, sau đó năng lực này suy giảm dần theo thời gian. Và điều đó là sự thật: khi chúng ta còn trẻ, chúng ta chơi các trò chơi, sáng chế ra nhiều nhân vật tưởng tượng, khám phá không gian... và do vậy chúng ta tăng cường kỹ năng tưởng tượng sáng tạo với các trò chơi đó, không có bất cứ ai yêu cầu chúng ta chỉ được phép chơi trong phạm vi của những “lý do” (ND – hạn chế mang tính chất lý do). Do đó chúng ta thường xuyên vượt qua giới hạn của kiến thức và trở nên thư giãn với những giới hạn của tâm trí. Khi chúng ta trở nên già hơn, chúng ta bị ngập vào thế giới của các lý do và thậm chí còn bị trừng phạt về những tư duy điên rồ. Nhưng không có con đường nào khác: di chuyển “ra ngoài biên giới của chiếc hộp” bắt buộc chúng ta phải vượt qua các giới hạn của trí tuệ. Thật may mắn, trí tưởng tượng sáng tạo không phải là điều huyền bí; bất cứ ai cũng sở hữu nó và có thể phát triển trí tưởng tượng của bản thân.

Cuối cùng, tôi cho rằng điều quan trọng nhất G. Altshuller và TRIZ đóng góp không phải là một hộp công cụ nhằm hỗ trợ các giai đoạn của sáng tạo, mà còn vượt  xa hơn thế, giúp cho chúng ta học hỏi và xây dựng sức mạnh tư duy của mỗi cá nhân.

www.SAGA.vn l Valeri V. Souchkov